TTO – Một nhóm 8 thành viên được giao nhiệm vụ mang theo ly nước khá đầy, đi qua cầu khỉ bắc giữa 4 cây thông tạo thành khung hình chữ nhật mà không làm nước đổ.
Khi mọi người đã đứng trên cầu, tay xiết tay giữ thăng bằng, di động rung lên, một thành viên nhấn nút nghe, công việc dừng lại khoảng chục giây trong sự sốt ruột, thúc giục của 7 thành viên còn lại. Nhiệm vụ hoàn thành, câu hỏi được đặt ra từ tình huống nghe di động: cá nhân hay là nhóm? Cảm giác của một thành viên khi làm ly nước sóng sánh một ít xuống đất? Cảm giác bị người khác cắt ngang khi đang đề xuất phương án? Cảm giác khi chới với mà không nhận được sự giúp đỡ của đồng đội…
Những triết lý đã được rút ra: tinh thần hợp tác, sự phân chia nhiệm vụ, hỗ trợ lẫn nhau… trong quá trình làm việc theo nhóm. Đó chỉ là một phần rất nhỏ của khóa học Methodology: Team building through confidence track (Phương pháp: xây dựng nhóm trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau) mà 16 SV đến từ nhiều trường ĐH của TP.HCM đã tham gia từ ngày 27-8 đến ngày 30-8 tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội do Tổ chức SV-HS vì nếp sống lành mạnh (IOGT – VN) tổ chức.
Phần lớn thành viên trong đoàn đang là những thủ lĩnh của phong trào đoàn hội, cũng là đoàn SV đầu tiên của miền Nam tham gia khoá học, họ đảm nhận trọng trách nhân rộng mô hình này tại TP.HCM.
Với một chương trình đào tạo được thiết kế logic và khá “căng”: bài tập ứng dụng được triển khai ngay sau khi học lý thuyết, các học viên đã hải liên tục chuyển động, liên tục tư duy.
Điều phối viên khu vực Đông Nam Á – ông Johan Bengtsson mang đến những kiến thức về vòng tròn FIRO (Fundamental interpersonal relations orientation – Hướng quan hệ liên cá nhân cơ bản), lý thuyết What – How (cái gì, như thế nào) trong xây dựng nhóm. Các giảng viên Việt Nam cũng lần lượt cung cấp cho các SV lý thuyết về những nét tính cách cơ bản trong một nhóm, về sự chia sẻ và tiếp nhận thông tin, cửa sổ Johari khám phá bản thân và khám phá người khác, những bậc thang trạng thái trong quá trình làm việc theo nhóm…
Những bài tập của khóa học do chính giáo sư tâm lý Olle Rockstrom – người đang giảng dạy tại một trường ĐH của Thụy Điển tự tay thiết kế, cưa xẻ, lắp đặt và đặt cho những tên gọi giản dị, mang bóng dáng của những trò chơi vận động ngoài trời: mạng nhện, khúc gỗ, cần cẩu, một cột ba lốp, cái nút…. hay thiên về tư duy như: đếm tú, thám hiểm không gian. Mỗi bài tập là nơi để những cảm xúc rất thật của cá nhân được bộc lộ, những quả bom mâu thuẫn, xung đột bùng nổ, khả năng của mỗi thành viên được thể hiện và chứa đựng những triết lý về xây dựng nhóm làm việc.
Đã có những tình huống cực kì căng thẳng khi nhóm không tìm được tiếng nói chung, ai cũng mang tư tưởng muốn làm người lãnh đạo, chỉ biết nói mà không biết lắng nghe. Hàng loạt trạng thái cảm xúc cũng đã bộc lộ: vui sướng, thoải mái khi tiếng nói có “trọng lượng” với nhóm; bất mãn, bực bội khi ý kiến không được quan tâm, không nói được hết những gì muốn nói vì liên tục bị cắt ngang, hụt hẫng khi kêu gọi sự giúp đỡ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà không nhận được hồi âm; sốc khi nhận được phản ứng của các thành viên còn lại vì một phút mất tập trung, làm công việc không suôn sẻ như mong muốn…
Sau khi hoàn thành bài tập, nhóm có một khoảng thời gian khá dài để chia sẻ với nhau những suy nghĩ, cảm xúc và rút ra những triết lý của bài tập dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Không ít lần thời gian “vượt rào” vì có quá nhiều điều để nói.
Có những bài tập mà nhóm không được nói, không được nhìn, không được hỏi bất cứ điều gì, thậm chí nín thở, trong những tình huống ấy, sự hài hòa, tin tưởng lẫn nhau, đoàn kết… đóng vai trò hết sức quan trọng. Hình ảnh 8 thành viên, bấm chân, xiết chặt tay nhau, đứng thăng bằng ở 2 đầu cầu bập bênh hay sự tập trung cao độ khi cả 16 thành viên đứng vừa vặn trên một khúc gỗ tròn, sắp xếp lại theo thứ tự tuổi tăng dần trong im lặng… đã thể hiện hết tất cả những điều ấy.
Lý Quang Thắng – SV năm III khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Dân lập Văn Lang, ủy viên Ban chấp hành đoàn trường đã kín đáo bật khóc khi cả nhóm ngồi lại để thảo luận về bài tập dậm số. Ở các bài tập trước, anh chàng “cao bất ngờ” này nói rất nhiều nhưng đến bài tập này bỗng dưng im bặt.
Thắng tâm sự: “Trước đây tôi nói nhiều hơn nghe. Khi người khác đưa sáng kiến, trong đầu tôi luôn suy nghĩ phải giành giật nói, phải phản bác. Cái tôi của mình lớn quá. Đến bài tập này, tôi khóc vì nhận ra: tại sao trước kia tôi không lắng nghe nhiều hơn nữa”.
Cũng phải nói thêm, ngoài những thành viên đã quen biết nhau từ trước, những thành viên mới cũng đã tận dụng thời gian ngắn ngủi của khóa học để hòa nhập và tìm lấy tiếng nói chung. Trần Minh Thuận – SV năm IV – Ủy viên Ban chấp hành đoàn trường ĐH Giao thông vận tải, chủ nhiệm CLB Kỹ năng Nhà văn hóa SV TP.HCM, người đã “dạn dày” kinh nghiệm trong những khóa đào tạo kỹ năng thủ lĩnh đoàn chia sẻ: “Thu hoạch lớn nhất sau khóa học này là sự ăn ý, thấu hiểm, cảm thông, chia sẻ giữa các thành viên trong nhóm. Còn bản thân mình thì thấy tiến bộ hơn trong cách ứng xử và… giao tiếp tiếng Anh”.
Buổi tổng kết khóa học vào chiều 30-8 đong đầy những giọt nước mắt, tiếng cười và những cái xiết tay nhau thật chặt. Đó cũng là thời điểm các SV nhận ra: Team building không chỉ là một nghệ thuật mà còn hơn thế nữa…